Tôi muốn cho con học piano, nhưng nhà chỉ có đàn Electric Keytboard?

Tác giả: Lê Hải Đăng

Trước hết, piano và Electric Keyboard vốn là hai nhạc cụ khác nhau. Đàn piano phát ra âm thanh nhờ hệ thống phím, búa, dây và hộp cộng hưởng…Đàn piano không có bàn phím bấm nhẹ nhàng như đàn điện tử, cũng như phát phần đệm tự động. Ngược lại, đàn Electric Keyboard phát ra âm thanh từ loa bằng xung dao động, âm lượng điều chỉnh nhờ volume và hầu hết các đàn có chế độ đệm tự động với hàng phím khá nhẹ nhàng khi bấm… Mô tả trên đây giúp hình dung sơ lược về sự khác biệt giữa hai loại nhạc cụ.


Như vậy, đàn piano khác Electric Keyboard. Nếu con bạn muốn học piano mà sử dụng đàn Electric Keyboard thì cả thầy và trò phải áp dụng biện pháp thay thế, hoán đổi, hiểu là sử dụng phương pháp kỹ thuật, bài bản của đàn này áp dụng trên nhạc cụ kia. Trên thực tế, đàn piano và Electric Keyboard có nhiều điểm không tương thích nhau, như đàn piano thông thường có âm vực (khoảng cách từ âm thấp nhất đến cao nhất) rộng trên bảy quãng 8, trong khi nhiều đàn Electric Keyboard có năm quãng 8. Tất nhiên, khác biệt này có thể khắc phục. Còn sự khác biệt trong cách kích âm, lực tác động của ngón tay lên phím nhằm tạo ra âm thanh giữa hai nhạc cụ khó thể hóa giải. Qua nhiều thế hệ đàn điện tử, độ nhạy, khả năng phản ánh sự thay đổi về lực tác động của ngón tay đến cường độ đã cải thiện đáng kể, thậm chí vượt bậc, nhưng đó là những giới hạn được đảm bảo bằng chỉ số kỹ thuật.
Còn ở đàn piano, sự thay đổi tinh tế là vô cùng. Tất nhiên, điều này không đòi hỏi khắt khe ở người mới học, song sự khác biệt của hai nhạc cụ ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận, cảm thụ âm nhạc và tư duy thẩm mỹ. Học đàn trên hai nhạc cụ có cơ chế khác nhau, học sinh phải vật lộn để tích nghi. Nếu coi đàn Electric Keyboard như một nhạc cụ ở thời kỳ “quá độ”, có nghĩa là trẻ học tập bằng đàn điện tử trước khi tiếp xúc, thực hành trên piano thì suốt quá trình này dễ nảy sinh nhiều thói quen xấu. Có thể hình dung, bàn tay con người có 5 ngón khác nhau. Để khắc phục tính không đồng bộ này, chúng ta khum bàn tay lại cho đầu các ngón tay cùng nằm trên một mặt phẳng tương đương với dãy phím đàn.


Nhằm khắc phục tình trạng không đồng nhất về lực giữa các ngón tay, người học luyện các âm hình tiết tấu có điểm nhấn, trọng âm khác nhau. Bên trong cấu trúc ngón tay có những đường liên kết, như gân, mạch máu, sợi dây thần kinh…, nhằm rèn luyện khả năng độc lập của từng ngón, học sinh tập nhấc ngón tay chuẩn bị trước khi nhấn xuống phím… Như vậy, những nguyên tắc trên đều áp dụng trên đàn Electric Keyboard xét như một nhạc cụ thay thế. Nhưng, nỗ lực ấy có thể không được đền đáp bằng sự thay đổi tinh tế của âm thanh, từ đó học sinh dễ dàng bỏ qua yêu cầu kỷ luật khắt khe. Dù bằng ngón nào, hễ chạm tay nhẹ vào phím là âm thanh của đàn Electric Keyboard đã phát ra. Cường độ lại phụ thuộc vào volume … từ đó trẻ không quan tâm nhiều tới động tác kỹ thuật, cũng như nhu cầu biểu cảm qua sự thay đổi về sắc thái.

Đối với nghệ sĩ thực thụ, họ có khả năng thích nghi nhanh chóng với hai loại nhạc cụ khác nhau, còn đối với học sinh mới nhập môn, việc học đàn này trên một đàn khác không phải phương pháp đáng khuyến khích, chưa kể sẽ để lại nhiều thói quen xấu như vừa kể trên. Trong học tập, sửa lỗi lầm cũ có khi khó hơn cả học thêm cái mới. Và tất nhiên, đó là một sự lãng phí.

Nói tóm lại, không nên học nhạc cụ này bằng nhạc cụ kia, tương tự như thế, không khuyến khích học piano bằng đàn Electric Keyboard. Trong trường hợp không có giải pháp thay thế, như thiếu thầy, thiếu đàn mới lựa chọn giải pháp này.

Please follow and like us:
error

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.